MÓN QUÀ
Tôi muốn bắt đầu câu chuyện này bằng hai từ ngày xửa ngày xưa...Ngày
xửa ngày xưa... có một người nhà giàu, rất giàu. Sự giàu có bắt đầu từ
một cơ may - hồi đó, khi còn là cậu bé nghèo khổ chỉ mong được ăn no,
ông đã được một người tốt bụng đưa về nhà nuôi nấng và cho ăn học.
Ông thường kể lại chuyện này cho con cái nghe nhưng các con ông cười cho rằng đây chỉ là một trong những bài học đạo đức của ông mà thôi.
Rất bận rộn nhưng tuần nào cũng vậy, ông dành ra một buổi tối ăn mặc
như một người lao động bình thường và đi dạo. Nói là đi dạo nhưng thật
ra là ông tìm gặp những ai cần giúp đỡ, ngay cả kẻ trộm cắp ông cũng
không từ chối vì nghĩ rằng biết đâu sự giúp đỡ của mình sẽ là một cơ hội
cho kẻ muốn hoàn lương.
Một tối mùa đông, như thường lệ ông đi
trên đường. Ngang qua công viên ông dừng lại vì chợt thấy dáng vẻ của
một chàng trai sao mà thiểu não quá. Cùng với bộ áo quần tỏ rõ sự nghèo
nàn là nỗi tuyệt vọng lồ lộ.
- Chào cháu, có chuyện gì vậy?
Câu hỏi êm ái của ông khiến chàng trai rùng mình. Cái rùng mình trong
bóng tối của đêm đông khiến trái tim nhân hậu của ông đau nhói. Ông rất
biết giới hạn của mình. Tiền bạc, ông không thiếu. Một công việc, ông
sẵn sàng mở rộng cửa các nhà máy của mình cho bất kỳ ai cần một công
việc. Nhưng nếu là một căn bệnh hiểm nghèo thì... Ông đã từng cho người
ta tiền không phải để có cuộc sống mong ước mà là để mua một cái quan
tài.
- Cháu không thể nói gì với ta sao?
Giọng chàng trai đẫm nước mắt:
- Cháu yêu...
A, ông có thể hiểu được. Đôi trẻ thiết tha yêu thương nhưng mẹ cha nhất
định ngăn cản bằng cách thách chàng trai một đám cưới linh đình? Ông
mỉm cười:
- Ta sẽ tặng cháu tất cả những gì nhà gái muốn.
- Không... Không ai có thể - Giọng chàng trai tuyệt vọng.
- Ta có thể.
Câu trả lời tự tin và quả quyết của ông chỉ khiến chàng trai lún sâu thêm trong cay đắng:
- Ông trời cũng không thể làm được gì. Tối nay, cháu và nàng hẹn gặp nhau lần cuối tại đây. Rồi sau đó...
Giờ thì đến phiên ông rùng mình - rồi sau đó...
- Nhưng cái gì là không thể? - Ông gặng hỏi.
- Cha mẹ nàng chẳng đòi hỏi gì cả ngoài việc cháu phải đưa cha mẹ đến thăm nhà gái.
- Ơ, một thách cưới thật khắt khe. Như ta đây, nếu nhà gái đòi con trai
ta phải đưa mẹ nó đến thì ta biết làm sao khi mẹ nó đã qua đời từ lâu.
- Không phải vậy - chàng trai kêu lên - cháu không biết cha mẹ mình là
ai. Tự nhiên mà lớn lên... Tự nhiên mà có trên đời... Làm sao họ dám gả
con gái cho một kẻ chẳng có gốc tích?
Ông đặt tay lên vai chàng
trai và cảm nhận được toàn bộ sức nặng của cuộc sống trĩu trên đôi vai
non tơ này. Có tiếng chân rón rén bước đến gần và một cô gái xuất hiện.
Dù cô đang mặc một cái áo dày sụ của mùa đông và cái mũ len trùm xuống
che khuất cả nửa khuôn mặt, ông vẫn nhận ra cô thật xinh xắn và đang đau
khổ đến nhường nào. Ông nhìn thấy rõ vẻ ngạc nhiên trên mặt cô dù trời
tối. Một ý nghĩ thoáng qua đầu... Ông mỉm cười:
- Chào con.
Cô gái đưa tay lên miệng để che một tiếng kêu kinh ngạc, còn chàng trai
thì sửng sốt. Ông thấy mình còn xúc động hơn cả đôi trai gái:
- Nếu hai con không chê có một người cha như ta.
oOo
Đám cưới diễn ra vô cùng vui vẻ. Cha mẹ cô dâu càng lúc càng quí chú rể
bởi vì cha chàng không những thật lịch sự mà còn rất hiểu biết, ông nói
chuyện về công việc lao động chân tay như một người cả đời gắn bó với
nó vậy.
Nhưng điều đáng nói là những chuyện sau đám cưới. Một
người khách đến dự tiệc rồi về là chuyện thường, còn đây là cha của chú
rể. Nhìn những điều không dám thốt thành lời trong mắt đôi trai gái đang
tràn trề hạnh phúc, ông chẳng thể làm gì khác hơn là đóng trọn vai diễn
của mình. Thăm họ hàng và cùng nhau ra biển lưới cá... Con trai ông
không phải dân biển nên rất vụng về, nhưng điều đó không khiến niềm vui
giảm đi.
Mất một tuần ông không đến văn phòng làm việc.
Rồi mọi chuyện cũng kết thúc êm đẹp. Đôi vợ chồng mới cưới lưu luyến
tiễn ông từ làng chài ra đến thị trấn và từ đây ông sẽ lên tàu. Lúc này
không có ai, chỉ có ba người với nhau, không cần phải đóng kịch. Nhưng
làm sao có thể xưng hô khác được nữa?
- Chúng con chào cha.
- Chào hai con.
Sự trở về của ông làm cả công ty nháo nhác. Người thì tưởng ông gặp tai
nạn mất xác, người tưởng ông bị bắt cóc và đang đợi cú điện thoại đòi
tiền chuộc. Có người còn thì thầm rằng các con ông đang tìm kiếm di
chúc...
oOo
Ông vẫn mỗi tuần một buổi đi trên đường để
tìm kiếm và chia sẻ với người không may. Khi là một tấm chăn bông ấm áp
cho kẻ đang run rẩy, khi thì tháo chiếc nhẫn trên tay tặng người cơ
khổ...
Một năm trôi qua, mùa đông lại đến. Một tối khi ngang qua công viên, ông chợt nghe tiếng gọi vui mừng:
- Con chào cha!
Ông nhận ra ngay là chàng trai hôm nào. Dù không thể nhớ mặt tất cả
những người ông đã giúp nhưng chàng trai này là một kỷ niệm đặc biệt:
chưa có ai cầu xin ông một điều tương tự vậy.
- Chào con.
- Mấy hôm nay ngày nào con cũng đến đây. Con mong được gặp cha.
- Để làm gì?
- Vợ con mới sinh em bé. Ông bà ngoại mời ông nội đến ăn mừng mẹ tròn con vuông.
Giọng chàng trai đầy hi vọng đồng thời cũng rất ngập ngừng. Quả là
chàng mong muốn nơi một ông già gặp gỡ tình cờ một điều hơi quá đáng!
Nói xong, nhìn thấy đôi mắt nhướng lên vì kinh ngạc của ông thì chàng
trai vội vàng tiếp ngay:
- Con cũng định là nếu không gặp được cha thì sẽ nói với ông bà ngoại là ông nội đang bệnh nặng.
- Chẳng ai muốn mình là người đang bị bệnh nặng cả, con trai - ông nói
với một nụ cười tươi tắn trên môi - Biết tặng cháu nội món quà gì đây?
oOo
Ông bà ngoại tíu tít mừng vui khi ông đến. Còn phải nói, làng chài nhỏ
bé mấy khi có khách xa về. Không phải chỉ ông bà ngoại mừng mà như là cả
họ mừng vui. Hôm nay nhà này mời ông ăn một bữa, ngày mai nhà khác
mời... Cứ như vậy nhà nào cũng kéo ông đến. Lần thứ nhất là sau tiệc
cưới, và đây là lần thứ hai ông được bao nhiêu người mời mọc mà không
phải là để nhờ cậy một điều gì. Họ nấu những con cá con tôm tươi hiếm
hoi trong mùa đông và rất sung sướng khi thấy ông ngon miệng; để mừng
cháu nội ông kháu khỉnh, mừng con dâu ông khỏe mạnh, mừng con trai ông
đáng mặt nam nhi làng chài, vậy thôi. Họ không biết ông là ai nên không
dạ thưa, không cố gắng làm ông hài lòng, không điệu bộ, không kín đáo
quan sát đợi ông cau mày là vội dọn thay món khác, không chuẩn bị trước
đến lúc này thì thế này và tí nữa thì thế kia... Tất cả thật giản dị như
vốn là như vậy. Ông ăn và uống rượu chiết từ một cái can nhựa thật to
được mua về cho tất cả mọi người cùng uống.
Ông hít thật sâu
làn không khí mằn mặn của biển, thấy lòng dâng một niềm vui khó tả, và
ông thấy hãnh diện khi nhìn thấy ánh mắt mọi người nhìn con trai của
mình lúc nói về anh. Chỉ một năm thôi mà anh đã trở thành một trong
những người đi biển giỏi nhất làng chài này. Có một đứa con trai đáng
mặt nam nhi thật không dễ, ông hiểu sâu sắc điều này.
- Rảnh rỗi ông lại về thăm cháu nhé.
Câu nói và những cái vẫy tay lưu luyến khiến ông xúc động. Ông chợt
thấy có lỗi khi lừa dối những con người hồn hậu chân thành như vậy.
Nhưng biết làm sao đây? Nhất là khi tất cả đang rất hạnh phúc. Tất cả,
đúng vậy! Đêm, nằm trong ngôi biệt thự tiện nghi của mình, ông chợt nhớ
ra các món cá hơi mặn, dân chài thường ăn mặn. Bác sĩ nói quả thận của
ông sẽ gặp phiền toái nếu ông ăn mặn, nhưng tại sao lúc đó ông không hề
thấy đau nhức như lẽ ra? Làm sao mà ông đã ăn hết tất cả một cách ngon
lành?
oOo
Cho đến một ngày... bé Bi vòng đôi tay nhỏ
xíu qua cổ ông, miệng bập bẹ gọi “Ông ội ơi...” thì ông nhận ra mình đến
đây không chỉ vì chàng trai, không phải vì trách nhiệm tình cờ số phận
sắp đặt. Ông đến đây vì bản thân mình muốn. Mỗi lần chìa má cho bé Bi
hôn, ông thấy lòng trào lên niềm xúc động lạ lùng. Bước chập chững vấp
vào ngưỡng cửa, bé òa khóc giơ hai tay về phía ông tin cậy.
Ông
muốn cho bé tất cả những tiện nghi mà cháu nội của ông được hưởng nhưng
rồi ông không dám mang tới làng chài gì khác ngoài túi bánh qui, cái
khăn len, hộp sữa...
Ông sợ. Phải, ông sợ...
Nếu biết
ông là tỉ phú thì chuyện gì sẽ xảy ra? Một khoảng cách mênh mông đẩy
những con người hồn hậu của làng chài ra xa tít tắp, mình ông cô đơn bên
này với bao qui tắc, có qui tắc ông phải chấp nhận và có qui tắc do
chính ông đề ra. Hơn vậy nữa, họ sẽ biết những đứa con của ông là như
thế nào. Và... sẽ giống như những nơi ngày ngày ông đi qua, rập khuôn
những lời nói, những kiểu dáng cung kính và những tính toán lợi lộc. Tệ
nhất là con trai và con dâu của ông sẽ thay đổi, tiền bạc và quyền hành
sẽ làm biến đổi tất cả, ông quá rõ như vậy.
Không, để có những
phút giây êm đềm ở làng chài này, để có gia đình êm ấm này, ông vẫn hãy
là ông nội thôi. Ông cảm thấy bứt rứt trước những món quà đẹp muốn cho
bé Bi mà đành phải thôi. Nhìn bé chơi với những viên sỏi, những vỏ ốc,
những cái nắp hộp bằng thiếc... ông quyết định khi bé đến tuổi đi học sẽ
nói thật và đưa bé vào một trường danh tiếng nhất.
oOo
Chưa kịp thực hiện thì ông ngã bệnh. Nguy kịch đến nỗi báo chí và
truyền hình ngày nào cũng đưa tin và tung ra những dự đoán cho tương lai
của cơ nghiệp mà ông dày công xây đắp.
Quanh ông là những hàng
rào người: bảo vệ, các cộng sự, bác sĩ, luật sư, phóng viên, những kẻ
thừa kế hàng thứ nhất, họ hàng xa, họ hàng gần...
Giờ khắc tỉnh
táo hiếm hoi, ông bình tĩnh truyền đạt những gì cần thiết và điều cuối
cùng là gọi gia đình nhỏ của làng chài. Lệnh ban ra xong, ông cầu trời
cho cuộc sống của mình đừng kết thúc trước khi kịp gặp. Nhưng ông không
phải đợi một giây nào cả. Ngay lập tức họ xuất hiện trên ngưỡng cửa.
Nghĩa là họ đã ở cạnh ông từ lâu lắm rồi. Làm cách nào vào được ngôi
biệt thự của ông trong giờ khắc này? Không phải là điều dễ dàng, nhưng
nếu người ta thiết tha muốn thì luôn có một cách nào đó. Ông thấy lòng
ấm áp. Nghĩa là họ đã nhận ra ông! Còn ông thì...
- Các con biết từ bao giờ? - Ông yếu ớt hỏi.
- Ngày đám cưới đã có người nhận ra... bác. Bác nổi tiếng như vậy, đặc biệt như vậy...
- Hãy gọi bằng cha như con vẫn thường.
Ông nói và cảm thấy hạnh phúc. Đúng vậy, hạnh phúc. Và tiếc nuối.
- Cha chưa làm được gì cho các con và bé Bi - giọng ông chỉ còn là tiếng thầm thì - Nhưng ta có một món quà...
- Cha đã cho con rất nhiều rồi - chàng trai nghẹn ngào.
- Ta đã làm gì đâu... - giọng ông yếu ớt và tràn đầy hối tiếc - Nếu ta biết con nhận ra ta là ai, hẳn ta đã...
- Cha đã cho con một người vợ hiền, cha đã cho con của con những kỷ
niệm về ông nội, cha đã cho con một làng chài làm quê nhà... - chàng
trai bật khóc - Cha đã cho con một cuộc đời.
Khuôn mặt người
sắp chết ánh lên nét ngỡ ngàng. Ông muốn nói gì đó nhưng không kịp...
Chàng trai áp khuôn mặt đầm đìa nước mắt vào lòng bàn tay của người đã
thay đổi đời anh từ một tối mùa đông. Sau lưng anh, bé Bi trên tay mẹ mở
to đôi mắt tròn xoe, kỷ niệm cuối cùng của bé về ông nội là trên khuôn
mặt khép lại xanh xao hé nở nụ cười.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét